Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 10 liên tiếp

Biên độ giảm giá xăng dầu
đang có xu hướng nới rộng
trong thời gian gần đây
Đây là đợt giảm xăng dầu lần thứ 10 liên tiếp. Mức giá mới áp dụng đối với xăng RON 92 là 20.251 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 18.657 đồng/lít, dầu hỏa là 19.250 đồng/lít và dầu madút 180CST 3,5S là 15.141 đồng/kg.
Trưa nay (22/11/2014), liên Bộ Công thương - Tài chính chính thức có thông báo về việc giảm giá xăng dầu với mức giảm tối thiểu là 1.141 đồng/lít xăng RON 92 (biên độ giảm lớn hơn so với mức giảm ngày 7/11 là 950 đồng/lít).
Như vậy, đây là lần thứ 10 liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, đưa mức giảm giá xăng RON 92 từ đầu năm đến nay tổng cộng đạt 5.390 đồng/lít.
Cũng trong đợt điều chỉnh này, mặt hàng dầu diesel 0,05S giảm 585 đồng/lít, dầu hỏa giảm 459 đồng/lít và dầu madút 180 CST 3,5S giảm 536 đồng/kg.
Như vậy, mức giá mới áp dụng đối với xăng RON 92 là 20.251 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 18.657 đồng/lít, dầu hỏa là 19.250 đồng/lít và dầu madút 180CST 3,5S là 15.141 đồng/kg.

Bảng giá xăng dầu các loại được Petrolimex niêm yết từ 11h 22/11/2014
Theo lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc giảm giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Tính bình quân 15 ngày gần đây, từ ngày 7/11/2014 đến ngày 21/11/2014, giá xăng RON 92 là 87,659 USD/thùng; dầu diesel 0,05S là 94,034 USD/thùng; dầu hỏa là 96,940 USD/thùng; dầu madút 180 CST 3,5S là 457,442 USD/thùng.
Liên Bộ cũng nhận định, trong những năm gần đây, giá xăng dầu thế giới thường tăng trong quý I và quý IV hàng năm. Việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại nhằm tạo nguồn lực bình ổn giá xăng dầu góp phần ổn định thị trường trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có thể biến động tăng cao trở lại vào dịp cuối năm, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2015.
Đồng thời, cũng trong thông báo lần này, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện hành là 600 đồng/lít, kg đối với tất cả cá chủng loại xăng dầu (các loại xăng động cơ, các loại dầu diesel và các loại dầu madút).
Việc trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 11h ngày 22/11/2014 trong khi đó, việc điều chỉnh giá bán do các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định, nhưng không muộn hơn 11 giờ ngày 22/11/2014.
YanNews

Vì sao Nhật Bản có các công ty lâu đời nhất thế giới?

Theo Sách kỷ lục Guiness, khách sạn lâu đời nhất thế giới không nằm ở Paris, London hay Rome, mà là Nisiyama Onsen Keiunkan tại Yamanashi (Nhật Bản), hoạt động từ năm 705.

Khách sạn cao tuổi thứ nhì cũng nằm tại đây. Đó là Hoshi Ryokan, thành lập năm 718.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều công ty lâu đời nhất thế giới đang có mặt tại Nhật Bản. Sudo Honke là hãng ủ rượu sake có "tuổi đời" cao nhất thế giới, được thành lập năm 1141. Trước khi sáp nhập vào một công ty con năm 2006, công ty gia đình lâu đời nhất thế giới - Kongo Gumi đã hoạt động suốt 14 thế kỷ qua.
Danh sách này còn có nhiều cái tên khác, như Yamanashi Prefecture, chuyên sản xuất đồ bày bàn thờ Phật giáo trong gia đình và quần áo nhà sư, thành lập năm 1024. Ichimojiya Wasuke bắt đầu sản xuất kẹo từ năm 1000. Nakamura Shaji - công ty xây dựng đền Phật giáo và đền thờ Shinto ra đời năm 970. Còn Tanaka Iga sản xuất hàng hóa cho nhà Phật từ năm 885.
japan-3712-1414493282.jpg
Xưởng rèn của một công ty sản xuất đồ cho Sony, hoạt động từ thời Heian (794-1185). Ảnh: AFP
Slate nhận xét hiển nhiên, không có gì lạ khi một nền kinh tế có bề dày lịch sử như Nhật Bản sở hữu những công ty lâu đời. Rất nhiều trong số này do người bản địa lập nên và thuộc sở hữu gia đình, như các hãng ủ rượu sake hay nhà trọ (orryokan) đều được thành lập từ thế kỷ thứ 8 để phục vụ các thương nhân trên lộ trình từ Tokyo tới Kyoto.
Thậm chí, trước khi trở thành quốc gia phương Đông, không theo Thiên chúa giáo đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa vào những năm 1870, Nhật Bản đã là nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh. Theo ông Hugh Patrick - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại trường Kinh doanh Columbia, Nhật Bản có "dân số đô thị khá phức tạp". Tầng lớp trung lưu thành thị này là lực lượng khách hàng hùng hậu của nền kinh tế.  
Tuy nhiên, điều này mới chỉ giải thích vì sao các công ty này được thành lập từ rất sớm, chứ chưa lý giải được sự tồn tại nhiều thế kỷ của họ. Theo ông David Weinstein - giáo sư ngành kinh tế Nhật Bản tại Đại học Columbia, hoạt động truyền đời cho thế hệ sau là một trong những yếu tố giúp các công ty này trường thọ. Con trưởng là người thừa kế tất cả tài sản của gia tộc, nên các công ty Nhật đều được truyền lại cho một thành viên trong gia đình.
Dù sang thế kỷ 20, chế độ cha truyền con nối cho con trưởng phai nhạt dần, nhưng chủ các công ty vẫn thường chỉ để lại tài sản cho một người thừa kế. Ngoài con ruột, người đứng đầu gia nghiệp có thể nhận nuôi hợp pháp một người phù hợp để điều hành và truyền lại công ty. Những người được nhận nuôi đôi khi kết hôn với con gái của chủ gia tộc.
Năm 2011, hơn 90% trong số 81.000 người được nhận làm con nuôi tại Nhật Bản là ở tuổi trưởng thành. Theo các nghiên cứu, các công ty được điều hành bởi “con nuôi” hoạt động tốt hơn những công ty do người thừa kế "xịn" quản lý. Bên cạnh đó, các công ty gia đình cũng kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp bình thường.
Việc thu nạp thêm nhiều thành viên mới giúp các công ty lâu đời tại Nhật tiếp tục phát triển. Hầu hết những công ty cao tuổi nhất nước này là doanh nghiệp gia đình. Sumitomo và Mitsui - hai công ty đã hoạt động được nhiều thế kỷ đã sáp nhập trở thành SMBC, ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật. Nổi tiếng nhất là Nintendo, từ một công ty sản xuất bài thành lập vào những năm 1800, nay đã là hãng game biểu tượng của Nhật Bản.
Ông Hugh Whittaker tại viện nghiên cứu Nhật Bản Nissan, thuộc Đại học Oxford cho biết những công ty này thể hiện sự cân bằng giữa việc duy trì và cải tiến - phương pháp họ đã lựa chọn suốt nhiều thế kỷ qua. "Tại Nhật, logic của việc kinh doanh là cam kết chứ không phải lựa chọn", Whittaker cho biết. Nói cách khác, văn hóa kinh doanh tại Nhật không bị ám ảnh bởi những gì có trong báo cáo tài chính mỗi quý mà là sự kiên trì nỗ lực để trường tồn cùng với tên gọi của mình.
Thanh Tuyền

Thu nhập người Việt sắp bị Lào, Campuchia vượt qua

Nếu không có cải thiện,
GDP bình quân đầu người của Việt Nam
có thể bị Lào, Campuchia vượt qua.
Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu thời gian tới Việt Nam không đổi mới sẽ tụt hậu. Chỉ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua.
Ngày 10/10, ông Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”, do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức.
Theo ông Dũng, kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm. Từ 2013 tới nay, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng chưa như kỳ vọng.
Điều này do các tác động tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả. Tăng trưởng dựa nhiều vào vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp.
Thứ trưởng Dũng đặt ra hàng loạt câu hỏi cho những chuyên gia tại hội thảo, như Việt Nam đang nằm ở đâu, đi tới đâu, đi bằng cách nào trong 10 năm tới. Tại sao trong bối cảnh như nhau, các nước vẫn phát triển tốt, còn ta vẫn chậm và mong manh…?
“Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình, đó là điều đáng buồn. Đã tới lúc kinh tế nước ta cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển”, ông Dũng nói.
“Nếu GDP chỉ tăng 5-6% mỗi năm là quá tụt hậu. Theo đó, chưa cần tới các hiệp định thương mại tự do (FTA), chỉ cần sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả đã có thể đạt được”.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TSKH Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng KH&ĐT) cho biết, nếu GDP chỉ tăng 5-6% mỗi năm là quá tụt hậu. Ông đưa ra phép tính, trong các dự án đầu tư công, lãng phí và tham nhũng chiếm tới 30-40% tổng vốn đầu tư một dự án. Chỉ cần giảm một nửa số đó có thể tăng thêm 1-2% GDP; hay bớt đi một Vinashin, Vinalines cũng đủ.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay chúng ta quá coi trọng các DN nộp nhiều thuế mà quên các DN nhỏ trong nước, nhưng “quên” so số thuế thu được với những nguồn lực, ưu đãi DN đó nhận được.
Bà Lan dẫn chứng, các tập đoàn nhà nước, hay những Samsung, Formosa… có thể đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng những ưu đãi miễn thuế, ưu tiên nguồn lực cho họ cũng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế, các chính sách không phân biệt loại hình DN, nhưng khi triển khai thường ưu tiên DN nhà nước nhiều hơn tư nhân. Ngoài ra, ai cũng thừa nhận vai trò DN tư nhân rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng kinh tế nhà nước mới là chủ đạo. Kết quả, DN tư nhân bị “tận thu thuế”, mà không được nuôi dưỡng nguồn thu (bằng các chính sách ưu đãi)…
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người.

'Kinh tế đòi hỏi tái cấu trúc truyền thông quảng cáo'

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
nhận định sự kiện lần này
là cơ hội vàng cho các cơ quan,
doanh nghiệp truyền thông quảng cáo
của Việt Nam. Ảnh: 
Anh Quân
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tái cấu trúc truyền thông quảng cáo không chỉ là yêu cầu của ngành mà còn là đòi hỏi chung của kinh tế thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Quảng cáo châu Á 2013 (AdAsia) đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến châu Á nói riêng đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội to lớn, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận khách quan để khởi đồng tiềm năng sáng tạo. "Sáng tạo là tiêu chí hàng đầu của quảng cáo, vì thế tái cấu trúc truyền thông quảng cáo không chỉ là yêu cầu của ngành mà còn là đòi hỏi chung của nền kinh tế thế giới", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, dù ngành truyền thông quảng cáo Việt Nam còn non trẻ nhưng đã góp phần rất quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế trong tiến trình hội nhập. Ông cho rằng sự kiện lần này sẽ là cơ hội vàng để các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, liên kết, học hỏi và bắt kịp nền công nghiệp quảng cáo hiện đại của châu Á và thế giới.
Trong khuôn khổ AdAsia 2013, từ ngày 12 – 14/11, sẽ có nhiều thuyết trình liên quan tới chủ đề Tái cấu trúc truyền thông - quảng cáo.Chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Faris Abouhamad, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Quảng cáo Thế giới (IAA), người sáng lập và Giám đốc điều hành của Interone LLC, Dubai nhấn mạnh: "Đến Việt Nam lần này tôi mong muốn hợp lực để ngành công nghiệp quảng cáo thế giới phát triển, phát huy vai trò tiên phong của truyền thông trong đời sống hôm nay".
Đại hội lần 28 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức AdAsia với nhiều sự kiện bên lề như thi hoa hậu ảnh Ms AdAsia 2013, cuộc trình diễn khí cầu quốc tế, triển lãm trưng bày tác phẩm quảng cáo...
Anh Quân

Chuyên gia: 'Ưu đãi đầu tư phải như làm tổ chim phượng hoàng'

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định Việt Nam mới chỉ chú trọng những ưu đãi về thuế mà chưa chú ý đến những đột phá thể chế để thu hút đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam "Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế" tổ chức ngày 24/10, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định những ưu tiên của Việt Nam hiện "vô cùng thấp so với thế giới", chỉ tập trung ở những cơ chế ưu đãi mà chưa tạo ra những điều kiện hạ tầng, vật chất kỹ thuật và thể chế tốt để vùng kinh tế đó bứt lên.
"Ưu tiên không chỉ là thuế bớt vài phần trăm hay giá dịch vụ giảm đi, những nhà đầu tư chiến lược thường không đòi hỏi lớn những vấn đề này mà chỉ có những nhà đầu tư làng nhàng", ông Thiên nhấn mạnh.
tran-dinh-thien-3288-1414142126.jpg
Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh phải thay đổi phương thức về ưu tiên đầu tư.
Theo vị này, ưu tiên cao nhất phải là thể chế. Thể chế đàng hoàng, hạ tầng cơ sở tốt thì đầu tư mới đột phá. "Phải tạo những ưu đãi như làm tổ cho chim phượng hoàng, không phải là làm tổ cho gà đẻ", ông nói và khuyến nghị Việt Nam phải chú trọng phát triển chất lượng ngành công nghiệp để gắn với chuỗi tăng trưởng của thế giới, chủ động chọn những nhà đầu tư chiến lược nhằm có đối tác tốt nhất.
"Mô hình tăng trưởng của Việt Nam không còn phù hợp. Chúng ta có thể chiến đấu rất hăng, không ngại gian khổ nhưng lại ngại khó", ông Thiên nhận xét.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam đang khá chậm và phần lớn các thay đổi trong những năm qua đi kèm với tăng tiêu thụ năng lượng do mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa nhiều vào mở rộng yếu tố vốn, khai thác tài nguyên, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang ở cách khá xa về thu nhập bình quân đầu người cũng như trình độ phát triển kinh tế khoa học, công nghệ so với các nước trong khu vực, thậm chí việc đuổi kịp trình độ phát triển của Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh. "Với lợi thế đi sau, Việt Nam có cơ hội lớn để áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả. Hội nhập cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến, qua đó tạo động lực để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo những yêu cầu của  đối tác thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài", bà Tuệ Anh cho hay.
Phương Linh

Khách quốc tế sợ toilet, tiếng ồn ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Trong số hơn 20.700 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, hơn 70% đánh giá chất lượng tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là rất tệ.

Vừa đặt chân đến và rời Hà Nội lần đầu qua sân bay Nội Bài cuối tháng 10/2014, chị Pamela Duckhouse, một khách du lịch người Australia ấn tượng nhất bởi tiếng ồn tại đây.
"Loa liên tục phát âm thanh chói tai thông tin về chuyến bay. Ở các sân bay quốc tế khác, thông tin về cửa ra tàu bay, số hiệu băng chuyền hành lý của chuyến bay... đều hiển thị lên bảng, hiếm khi phải phát loa. Khách nào cần tìm thông tin chuyến bay của họ thì tự đọc. Còn ở đây, tôi không cần biết thông tin về chuyến bay của người khác nhưng vẫn phải nghe", chị Pamela Duckhouse nói.
Ngoài ra, chị cho biết không thể quên một sự cố khác với toilet khi vào sử dụng mới phát hiện không có giấy. Sàn ẩm ướt, toilet có mùi khó chịu khiến chị cảm thấy sợ hãi. "Đây là kinh nghiệm nhớ đời, nếu còn đến lần sau, tôi sẽ cố gắng không dùng toilet ở sân bay", chị Pamela nói.
san-bay-0-3280-1414294993.jpg
Kết quả thăm dò ý kiến trên VnExpress từ ngày 20/10 đến 26/10.
Ngoài tiếng ồn và vệ sinh toilet, hàng loạt vấn đề khác khiến hành khách nước ngoài e ngại. Không quen với thời tiết nắng nóng ở Việt Nam, nhiều người cho biết họ được phen toát mồ hôi khi vào đến sảnh E ở sân bay Nội Bài. "Nhà ga chính thì không đến nỗi nhưng sảnh E rất nóng, dường như không đủ điều hòa", một hành khách đến từ châu Âu nói. Bên cạnh đó, màn hình hiển thị thông tin chuyến bay quá nhỏ, bảng chỉ dẫn ít khiến các vị khách không thạo ngôn ngữ bản địa khó khăn trong việc tìm thông tin ở sân bay.
Ở Tân Sơn Nhất, không nhiều khách phàn nàn về điều hòa, nhưng một số cho biết họ bực mình vì sóng Wifi "tậm tịt", có người tưởng rằng không có mạng. Lượng khách quá đông trong khi không gian công cộng để ngồi, đứng không đủ cũng gây ra cảm giác ngột ngạt.
Trên một diễn đàn uy tín chuyên đánh giá hàng không là SkyTrax, một hành khách viết về Tân Sơn Nhất: "Sân bay quốc tế dịch vụ rất kém, ga quốc nội ở mức 'low-class' (hạng thấp). Nhân viên cực kỳ thiếu thân thiện. Không đủ quầy nhập cảnh. Giá cả hàng hóa quá cao còn người bán hàng không có chút kiến thức tiếng Anh nào. Đồ ăn quá đắt". Với công cụ chấm điểm trên thang 10, hành khách chấm sân bay này 0 điểm.
Còn nhận xét về Nội Bài, người khác chấm một điểm trên 10 và viết: "Khá tệ. Tôi thích Nội Bài năm 1999 hơn khi nó chưa được hiện đại hóa. Khu vực chờ hiện nay không đủ ghế. Chủ cửa hàng thì tham lam. Tiếng ồn thật kinh khủng. Nhà vệ sinh hôi hám bẩn thỉu".
Theo kết quả thăm dò ý kiến về chất lượng dịch vụ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trên VnExpress, trong số hơn 20.700 độc giả tham gia trả lời trong gần một tuần qua, có 71% đánh giá chất lượng dịch vụ ở mức "Rất tệ". Chỉ có khoảng 5% cảm thấy dịch vụ hai sân bay này khá và tốt.
noi-bai-3949-1414197063.jpg
Nhiều khách Tây chê giá cả, chất lượng dịch vụ ở các sân bay Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình
Phản ánh với các nhà quản lý hàng không về những bức xúc trên của khách nước ngoài, hầu hết đều không cảm thấy ngạc nhiên, vì lâu nay dư luận trong nước cũng chê nhiều về chất lượng dịch vụ ở sân bay Việt Nam.
Ông Đoàn Minh Quân, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết sau các chuyến đi thị sát của Cục Hàng không từ hồi tháng 7, chất lượng dịch vụ phi hàng không ở sân bay Nội Bài đã cải thiện ở một số hạng mục. Tuy nhiên, còn một số hạng mục khác vẫn chưa cải thiện.
"Trước phản ánh của nhiều hành khách về hệ thống điều hòa ở sảnh E, chúng tôi liên tục yêu cầu ban quản lý ở đây tăng cường nhưng nhiều tháng rồi vẫn chưa hoàn thành. Đặc điểm của sảnh E tường lắp bằng kính, nên hôm nào trời nắng, ở trong sảnh càng nóng", ông Quân cho biết. Ngoài ra, ông Quân cho biết dù hiện tượng taxi dù đã vãn, nhưng vẫn còn tình trạng dồn khách, nhất là vào buổi tối, đêm.
Về vệ sinh toilet, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết ngày nào cũng đi kiểm tra. tình trạng sàn dính nước, thiếu giấy đã cải thiện hơn trước. Cảng vụ cũng có ý kiến yêu cầu sân bay cải thiện hệ thống toilet bằng cách thay lại đồng bộ. Hiện nay, các toilet bao gồm nhiều loại bồn cầu, bồn vệ sinh khác nhau vì mỗi lần hỏng lại thay một loại.
Theo ông, nhiều vấn đề bất cập của sân bay Nội Bài hiện nay bắt nguồn từ khâu thiết kế xây dựng nhà ga trước đây không quy củ ngay từ đầu, trong cả việc tiếp nhận các chuyến bay lẫn phục vụ hành khách. "Rút kinh nghiệm, khi làm nhà ga T2, khâu thiết kế đã bài bản hơn, quy hoạch khu vực bán hàng, công cộng ngay từ đầu. Do đó, dịch vụ hành khách ở T2 sẽ tốt hơn hơn T1", ông Quân cho hay.
Còn ở sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vi quản lý sân bay cũng thừa nhận nhiều điểm còn yếu kém trong khâu phục vụ hành khách như Wifi chập chờn, thiếu dịch vụ giải trí, ùn tắc ở các khâu kiểm tra an ninh, hải quan. Theo lý giải của đại diện đơn vị quản lý, tình trạng khách chờ hàng tiếng đồng hồ khi kiểm tra an ninh khu quốc tế là do khu vực này được thiết kế theo kiểu tập trung, nên dễ ùn tắc vào giờ cao điểm.
"Trong thời gian tới, sân bay sẽ nỗ lực cải thiện và nâng cao dịch vụ. Với tình trạng Wifi sóng yếu, chúng tôi đang chuẩn bị để sửa chữa và thay toàn bộ hệ thống", đại diện công ty Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói. 
Sau nhiều chỉ trích của dư luận trong nước, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục Hàng không đã tổ chức nhiều chuyến đi thị sát các sân bay lớn ở Việt Nam từ tháng 7/2014. Từ đó đến nay, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ các sân bay diễn ra chặt chẽ hơn, đơn vị quản lý đi kiểm tra hàng ngày ở tất cả các đầu mục. Cục Hàng không cũng tổ chức báo cáo tình trạng chậm hủy chuyến hàng ngày trên website và trong thông cáo gửi báo chí.
Thanh Bình - Thi Hà